Tuesday, April 12, 2011

Những cuộc lội ngược dòng vĩ đại nhất lịch sử Cup C1

Trong lịch sử của đấu trường bóng đá danh giá nhất châu Âu, nhiều khi đội gặp bất lợi trước lại đoạt vé đi tiếp một cách vô cùng ngoạn mục. Trong bài này, VnE giới thiệu 12 cuộc ngược dòng kỳ vĩ trong suốt chiều dài 50 năm tồn tại Cup C1.
Thế hệ vàng của MU mùa bóng 1956/1957.
Thế hệ vàng của MU mùa bóng 1956/1957.
1. MU loại Bilbao, tứ kết mùa bóng 1956/1957 (lượt đi: Bilbao 5-3 MU; lượt về MU 3-0 Bilbao)
Lượt về vòng 16 đội Champions League 2004-2005 (trong ngoặc là kết quả lượt đi)
Ở mùa bóng 1956-1957, có thể nói MU đã tập hợp được một thế hệ cầu thủ trẻ rất tài năng gồm Bobby Charlton, Duncan Edward, Tommy Taylor, Dennis Viollet, Geoff Bent, Liam Whelan....và được dẫn dắt bởi HLV huyền thoại Matt Busby. Trong lần đầu tiên bước ra đấu trường châu Âu, nhà vô địch Anh đã có bước khởi đầu rất tốt khi vượt qua Borussia Dortmund ở vòng một để tiến vào tứ kết gặp ĐKVĐ Tây Ban Nha, Athletic Bilbao. Trận lượt đi tại xứ Basque, trước lối đá kỹ thuật của đối thủ, đội bóng nước Anh đành chịu thua đậm 3-5.
Tưởng như các chàng trai trẻ của đảo quốc sương mù sẽ mất hết hưng phấn sau thất bại này, nhưng đó lại là một bài học rất bổ ích. Và nó đã giúp họ không mắc bất cứ sai lầm nào trong lượt về, để đè bẹp đối thủ bằng tỷ số 3-0, và đi tiếp với kết quả chung cuộc 6-5. Tuy nhiên, tại bán kết, các học trò của Matt Busby buộc phải dừng lại trước ĐKVĐ Real Madrid hùng mạnh (có Di Stefano, Kopa, Gento). An ủi cho "Quỷ đỏ" là cuối mùa bóng đó, họ bảo vệ thành công chức vô địch Anh. Chỉ có điều, đó là danh hiệu cuối cùng của thế hệ vàng đó, bởi hơn 9 tháng sau, vào ngày 7/2/1958, tai nạn máy bay ở Munich (trên đường trở về từ Nam Tư cũ) đã cướp sinh mạng của 8 cầu thủ: Byrne, Colman, Jones, Pegg, Taylor, Bent, Whelan và Duncan Edward.
2. Inter Milan loại Liverpool, bán kết mùa bóng 1964/1965 (lượt đi: Liverpool 3-1 Inter; lượt về: Inter 3-0 Liverpool)
HLV huyền thoại của Inter, Helenio Herrera.
HLV huyền thoại của Inter, Helenio Herrera.
Vào thời điểm đó, danh tiếng của Inter đang nổi lên như cồn tại châu Âu với chiến thuật Catenaccio do HLV lừng danh, Helenio Herrera khởi xướng. Và họ cũng chính là những nhà ĐKVĐ Cup C1. Thế nhưng, trận lượt đi trên đất Anh, Liverpool đã thành công trong việc khoan thủng hàng thủ bê tông của người Italy và giành chiến thắng 3-1. Tuy vậy, "gáo nước lạnh" đó không hề làm nguội tham vọng bảo vệ chức vô địch của Inter. Trong trận đấu 2 tuần sau tại Milano, với 2 thủ lĩnh Sandro Mazzola (hàng công) và Giacinto Fachetti (hàng thủ, và là đương kim chủ tịch hiện nay), đội quân của HLV Helenio Herrera đã lội ngược dòng thành công và thắng với tỷ số 3-0.
Tiếp đà hưng phấn này, Inter thắng luôn Benfica của "báo đen" Eusebio ở chung kết với tỷ số 1-0 và trở thành đội bóng Italy đầu tiên bảo vệ được chiếc Cup C1 châu Âu.
3. Partizan Belgrade loại Sparta Praha, tứ kết mùa 1965/1966 (lượt đi: Sparta 4-1 Partizan; lượt về: Partizan 5-0 Sparta)
Mùa bóng 65/66 là thời điểm rất mạnh của bóng đá Nam Tư cũ. Đội tuyển quốc gia đất nước này từng lọt vào trận CK Euro 1960 (thua Liên Xô cũ) và lặp lại thành tích đó vào năm 1968 (thua Italy). Trên phương diện CLB, Partizan Belgrade là lá cờ đầu với một loạt hảo thủ như Jusufi, Rasovic, Becejac, Hasanagic, Galic....
Nhưng bất ngờ đã xảy ra trong trận tứ kết lượt đi tại Praha, khi Partizan bị cuốn vào lối đá nhanh của đối thủ và sụp đổ bằng thất bại 1-4. Tuy vậy, trong trận lượt về, một bất ngờ còn lớn hơn thế đã xảy ra, trong lúc mà báo chí châu Âu đang tung hô Sparta. Vẫn những con người cũ, nhưng Partizan lại giới thiệu một tinh thần thi đấu quyết liệt đến kỳ lạ, để rồi nghiền nát đối thủ với tỷ số 5-0. Đội bóng Nam Tư cũ đi tiếp và loại luôn MU ở bán kết, giành vé tham dự trận cuối cùng với Real Madrid. Chỉ tiếc rằng, trước một đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ hoàng kim (còn mỗi Gento trong bộ tứ gồm anh và Puskas, Di Stefano, Kopa), nhưng Partizan đã không thể làm nên lịch sử khi thua 1-2 (dẫn trước rồi thua ngược).
4. Panathinaikos loại Crvena Zvezda, bán kết mùa 1970/1971 (lượt đi: Zvezda 4-1 Pana; lượt về: Pana 3-0 Zvezda)
Đội bóng Hy Lạp, Panathinaikos gây bất ngờ khi lọt vào đến bán kết. Việc đối đầu với nhà vô địch Nam Tư cũ Crveda Zvezda (sau này đổi tên thành Sao Đỏ Belgrade - vô địch Cup C1 năm 1991) là một thử thách cực kỳ khó khăn. Và điều đó đã được chứng minh khi Panathinaikos thua tan tác trên sân khách bằng kết quả 1-4. Thế nhưng, trong trận lượt về, dấu ấn Hy Lạp đã được đặt lên bản đồ châu Âu khi Panathinaikos tận dụng tối đa lợi thế sân nhà, thắng lại 3-0, một tỷ số vừa đủ giúp họ vào chung kết bằng lợi thế bàn thắng sân khách. Và dù thua Ajax của Johann Cruyff với tỷ số 0-2 tại trận cuối cùng, nhưng những người con của đất nước "thần thoại" vẫn xứng đáng ngẩng cao đầu.
5. AS Roma loại Dundee United, bán kết mùa bóng 1983/1984 (lượt đi: Dundee 2-0 Roma; lượt về: Roma 3-0 Dundee)
Falcao - ngôi sao người Brazil của Roma trong thập niên 80.
Falcao - ngôi sao người Brazil của Roma trong thập niên 80.
Đây là thời điểm băt đầu thăng hoa của bóng đá Italy khi một năm trước đó, Juventus lọt vào chung kết Cup C1 (thua Hamburg). Và AS Roma lại tiếp nối chuỗi tỏa sáng. Trận lượt đi tại Scotland chứng kiến Giallorossi chỉ biết chạy theo lối đá "kick anh rush" và thua trận 0-2. Nhưng "biển khói" tại Olimpico trong trận lượt về đã khiến Dundee choáng ngợp, cộng thêm tài năng của bộ đôi người Brazil, Falcao và Cerezo, Roma lội ngược dòng thành công bằng tỷ số 3-0. Tuy nhiên, sân Olimpico không thể giúp đội bóng áo bã trầu lần nữa khi Roma thua Liverpool 2-4 trong loạt đá luân lưu ở trận chung kết.
6. Barcelona loại IFK Gothenburg, bán kết mùa 1985/1986 (lượt đi: IFK 3-0 Barca; lượt về Barca 3-0 IFK. Đội bóng xứ Catalan thắng luân lưu 5-4).
Dù được dẫn dắt bởi HLV người Anh, Terry Venables và sở hữu ngôi sao người Đức, Bernd Schuster, nhưng Barcelona không sao tránh khỏi thất bại 0-3 trong lượt đi trên sân của nhà vô địch Thụy Điển, IFK Gothenburg. Thật ra cũng không thể xem thường IFK bởi họ chính là đội đoạt Cup C3 trước đó 4 năm. Tuy thế, cầu trường Nou Camp đã hun nóng đôi chân lạnh lùng của các cầu thủ Bắc Âu, và giúp Barca thắng lại 3-0 ở lượt về. Bước vào loạt luân lưu, đội quân của HLV Venables không phạm một sai lầm nào và thắng 5-4.
Chỉ có điều, may mắn không đồng hành quá lâu với một đội nào đó. Trận chung kết diễn ra trên đất Tây Ban Nha (sân Sanchez Pirjuan của Sevilla) là một thuận lợi cho Barcelona. Nhưng họ tự biến nó thành sức ép, dẫn đến bế tắc trước Steaua Bucharest. Hòa 0-0, hai đội dắt nhau đến chấm phạt đền. Và lần này, đội đá hỏng ít hơn đã thắng. Steaua đá hỏng 2 lần, nhưng vẫn còn tốt hơn bởi đối thủ đá hỏng cả 4 lượt. Chung cuộc, đội bóng Romania thắng luân lưu 2-0 và đoạt Cup.
7. Ajax loại Panathinaikos, bán kết mùa bóng 1995/1996 (lượt đi: Ajax 0-1 Pana; lượt về: Pana 1-3 Ajax)
Mùa bóng 95/96, Ajax đang ở thời kỳ sung mãn nhất. Họ là ĐKVĐ Cup C1 với những ngôi sao như Davids, Kluivert, Seedorf....cùng HLV Louis van Gaal. Và người ta bắt đầu so sánh họ với thế hệ vĩ đại có Johann Cruyff ở thập niên 70. Nhưng trong trận bán kết lượt đi trên sân nhà, Ajax tỏ ra bế tắc trước các vị khách Hy Lạp và bất ngờ chịu thua ở những phút cuối sau pha phản công và dứt điểm chớp nhoáng của chân sút người Ba Lan, Warzycha. Phải mãi đến lượt về, bản lĩnh và sức mạnh của "ông lớn" mới bùng phát. Ajax đè bẹp Panathinaikos tỷ số 3-0, trước sự chứng kiến của hơn 40.000 cổ động viên Hy Lạp trong cơn mưa khá nặng hạt. Đội bóng Hà Lan vào chung kết nhưng không bảo vệ thành công vương miện khi thua Juventus 2-4 sau loạt đá luân lưu.
8. MU loại Juventus, bán kết mùa bóng 1998/1999 (lượt đi: MU 1-1 Juventus; lượt về: Juventus 2-3 MU)
Lúc đó, MU đang trải qua những năm tháng tươi đẹp nhất trong lịch sử. Sau khi vượt qua Inter ở tứ kết, "Quỷ đỏ" lại đối đầu với đội bóng Italy khác, Juventus, tại vòng 4 đội. Có một sự thật rất quan trọng ở thời điểm ấy khi Juventus luôn là khắc tinh của MU. Và kết quả 1-1 ở trận lượt đi (Juve dẫn trước nhờ công Conte và phải mãi đến phút 90, Ryan Giggs mới gỡ cho đội chủ nhà) đã chứng minh cho điều đó.
Sự "kỵ giơ" tiếp tục thể hiện trong 10 phút đầu trận lượt về tại Turin, khi Inzaghi lập công hai lần đưa Juventus dẫn trước 3-1 chung cuộc. Ai cũng nghĩ đội bóng Anh sẽ dừng bước trước đại gia "lắm mưu mẹo" của Italy. Nhưng bóng đá luôn cho thấy bất ngờ là vô tận. Liên tiếp Roy Keane (24") và Dwight Yorke (34") gỡ hòa và giành lợi thế cho đội khách. Bị đảo ngược kết quả chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, "bà đầm già" choáng váng và chơi một cách hoảng loạn. Đến phút 84, Andy Cole kết liễu hy vọng của chủ nhà bằng một pha dứt điểm khéo léo, ấn định chiến thắng chung cuộc 4-3.
9. MU thắng Bayern Munich, chung kết mùa 1998/1999 (MU 2-1 Bayern Munich)
Thủ môn Peter Schmeichel nâng cao Cup Champions League 1999.
Thủ môn Peter Schmeichel nâng cao Cup Champions League 1999.
Chỉ vài tuần sau khi gây sốc tại Turin, MU bước vào trận CK gặp Bayern, đội đã hòa cả hai trận với họ ở vòng bảng. Và lần gặp gỡ thứ 3 này, "Quỷ đỏ" bất lợi khi Roy Keane và Paul Scholes vắng mặt do án treo giò. Basler đưa "hùm xám" dẫn trước ngay ở phút thứ 6, bằng pha sút phạt thông minh, đánh lừa thủ thành Schmeichel. Suốt khoảng thời gian còn lại, MU bế tắc trước lối chơi chặt chẽ của đội bóng Đức.
Và khi trận đấu chỉ còn vài phút đá bù giờ khá vô nghĩa thì bất ngờ được coi là lớn nhất trong lịch sử Cup C1 đã xảy ra. Hai quả phạt góc của Beckham đã biến thành 2 pha hỗn loạn trước khung thành Bayern, tạo điều kiện để Sheringham cùng Solskjaer đệm bóng chính xác ở các phút bù giờ thứ nhất và thứ hai, đem về chiến thắng 2-1 và chức vô địch cho đội bóng áo đỏ. Đã có không biết bao nhiêu cổ động viên Bayern khóc hận và thề sẽ không xem đá bóng sau trận CK đáng nhớ đó.
10. Barcelona loại Chelsea, tứ kết mùa bóng 1999/2000 (lượt đi: Chelsea 3-1 Barca; lượt về: Barca 5-1 Chelsea)
Ở lượt đi, đội bóng xứ Catalan hùng mạnh bỗng choáng ngợp trước sự sôi động của sân Stamford Bridge, và để cho đoàn quân của HLV Viali hạ gục với tỷ số 3-1. Thậm chí Chelsea còn dẫn trước 3 bàn chỉ trong vòng 8 phút nhờ công của Zola (30"), Flo (34", 38"). Phải sang đến hiệp hai, Figo mới đem về đôi chút hy vọng cho Barca bằng bàn gỡ ở phút 64.
Và chính nhờ cái vốn ít ỏi nhưng quý giá đó, đội chủ sân Nou Camp đã lật ngược tình thế ở lượt về. Lối đá tấn công như thác đổ của Barca đã biến Chelsea thành đội bóng hạng nhì sau 3 bàn thắng của Rivaldo (24"), Figo (45") và Dani (83"). Các vị khách chỉ thoi thóp nhờ pha dứt điểm may mắn của Flo ở phút 60, để cân bằng tỷ số chung cuộc 4-4 sau 90 phút. Nhưng trong thời gian hiệp phụ, họ không thể cầm cự lâu. Rivaldo sút phạt penalty chính xác (98") cùng quả đánh đầu búa bổ của Kluivert (104") đã tiễn Chelsea về nước Anh không kèn trống. Đội quân của HLV Louis van Gaal vào bán kết trước khi thua Valencia.
11. Monaco loại Real Madrid, tứ kết mùa bóng 2003/2004 (lượt đi: Real 4-2 Monaco; lượt về: Monaco 3-1 Real)
Mùa bóng trước, khi UEFA bỏ bớt vòng đấu bảng thứ hai và thay nó bằng một vòng đấu loại trực tiếp, những đội bóng nhỏ đã hưởng lợi từ việc này. Và đó là cơ sở để bất ngờ liên tiếp xảy ra. Trên sân Bernabeu, Real dễ dàng vượt qua Monaco 4-2 bằng các bàn thắng của Helguera (51"), Zidane (69"), Figo (76"), Ronaldo (81"), và không hề để ý rằng hai bàn thua sau các pha dứt điểm của Squillaci (43") cùng Morientes (83") là hiểm họa thực sự.
"Kền kền trắng" còn chủ quan hơn ở lượt về khi Raul đưa tỷ số chung cuộc thành 5-2 ở phút 35. Và họ đã phải trả giá. Liên tiếp Giuly (45", 66"), và Morientes (48") làm lưới Casillas rung lên 3 lần sau các pha dứt điểm đẹp mắt, cân bằng tỷ số 5-5, và giật vé về cho Monaco bằng ưu thế bàn sân khách.
12. Deportivo loại AC Milan, tứ kết mùa bóng 2003/2004 (lượt đi: AC Milan 4-1 Deportivo; lượt về Deportivo 4-0 AC Milan)
Pandiani (phải) ăn mừng trước khuôn mặt thẫn thờ của Nesta.
Pandiani (phải) ăn mừng trước khuôn mặt thẫn thờ của Nesta.
Khi Milan đã đè bẹp đối thủ đến 4-1 ở lượt đi bằng một màn trình diễn tuyệt vời tại San Siro (Milan ghi 4 bàn chỉ trong 9 phút nhờ công Kaka 45", 49", Sheva 46", và Pirlo 53" - Deportivo chỉ có một bàn nhờ Pandiani 11"), ai cũng hình dung đến việc đội bóng Italy sẽ bảo vệ thành công chức vô địch.
Nhưng "cơn động đất" tại sân Riazor hai tuần sau đã phủ nhận tất cả. Ngay phút thứ 5 ở trận lượt về, sau cú đảo bóng loại cả Maldini và Nesta, Pandiani sút bóng hiểm hóc hạ Dida, mở tỷ số. Thời gian sau đó của hiệp một đã chứng kiến sự sụp đổ thảm hại của "ông vua". Valeron đánh đầu ngay trên tay Dida, còn Luque sút sấm sét vào góc hẹp, biến đêm 7/4/2004 là nỗi ác mộng của Rossoneri. Sau giờ nghỉ lão tướng Fran thực hiện nốt "nhát kiếm" cuối cùng, chính thức biến Milan thành cựu vô địch.

No comments:

Post a Comment